Bướu cổ hay còn gọi là bướu cổ đơn thuần, là một bệnh lý của tuyến giáp có đặc điểm là tuyến giáp phì đại (phòng to) có tính chất lành tính và chức năng tuyến giáp bình thường. Chính vì vậy, người bệnh thường xuyên đến than phiền rằng cổ bị to và lo lắng không biết đây có phải là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm hay không? Cùng chúng tôi giải đáp bệnh bướu cổ có lây không và những nguy hiểm có thể gặp phải trong bài viết được đề cập bên dưới nhé.
Bệnh bướu cổ là bệnh gì?
- Tuyến giáp là một cơ quan tuyến nội tiết nằm phía trước cổ, có hai thùy phải và trái nối với nhau ở giữa bởi eo tuyến giáp, với kích thước bình thường không thể nhìn thấy hay sờ thấy được.
- Chức năng: Sản xuất hormon giáp. Hormon giáp có chức năng tham gia chuyển các chất dinh dưỡng trong thức ăn thành:
- Các chất mà cơ thể có thể sử dụng cho quá trình phát triển của mọi cơ quan như: Sự lớn lên của hệ cơ – xương, chức năng của hệ sinh sản, đặc biệt là sự phát triển não bộ sau sinh và trong những năm đầu đời của trẻ,…
- Năng lượng cho cơ thể hoạt động.
- Nhiệt lượng để sưởi ấm.
- Ngoài ra, hormon giáp còn giúp tim co bóp tốt hơn đáp ứng nhu cầu cơ thể khi gắng sức, chống rối loạn mỡ máu, nhờ vậy giảm quá trình xơ vữa thành mạch,…
Bướu cổ là sự gia tăng về kích thước của tuyến giáp mà không làm thay đổi nồng độ hormone tuyến giáp. Bướu cổ đa phần là lành tính. Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Biểu hiện của bệnh
Bướu cổ là bệnh dễ gặp và khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp của bệnh bướu cổ:
- Sờ thấy khối (1 hoặc vài khối) ở vùng cổ trước.
- Một số bướu to có thể gây ra tình trạng chèn ép cơ quan lân cận:
- Khí quản: Khó thở
- Thực quản: Khó nuốt, nuốt nghẹn
- Dây thần kinh thanh quản quặt ngược: Khàn tiếng, mất tiếng.
- Dấu Pemberton: Ngất hoặc tím tái khi giơ hai tay lên cao. Do tuyến giáp to, nằm sau xương ức, vào trong cả lồng ngực gây chèn ép các mạch máu lớn từ tim đi ra).
- Tại chỗ: Màu sắc da cổ bình thường, sờ nắn bướu không đau.
Nguyên nhân gây bướu cổ là gì?
Cơ chế chung là sự thiếu hụt hormon giáp dẫn đến sự tăng hoạt động của tuyến giáp để đáp ứng nhu cầu cơ thể, hậu quả là tình trạng tăng kích thước tuyến giáp trong khi chức năng của tuyến giáp bình thường.
- Do thiếu iod:
Là nguyên nhân thường gặp nhất, iod là nguyên liệu để tổng hợp hormon giáp. Do vậy khi thiếu, tuyến giáp tăng hoạt động để bắt iod từ máu. Kết quả là sự phì đại của tuyến giáp.
- Do sự xuất hiện các chất ức chế tạo hormon giáp chứa trong: Thực phẩm: Các loại bắp cải, củ cải,… Thuốc, các muối: Kháng giáp tổng hợp (propylthiouracil, methimazole, carbimazole,…), sản phẩm chứa ion lithium, thiocyanate,…
- Do bất thường di truyền:
- Rối loạn bẩm sinh trong tổng hợp hormon giáp, có thể giảm nặng chức năng tuyến giáp biểu hiện bằng suy giáp bẩm sinh, hoặc suy giảm 1 phần chức năng tuyến giáp có thể biểu hiện bằng bướu cổ đơn thuần.
- Rối loạn này chỉ chiếm 1 tỷ lệ nhỏ, là bệnh di truyền gen lặn, nhiễm sắc thể thường. Có nghĩa là bố mẹ bị bệnh hoặc mang gen bệnh thì con có thể mắc bệnh.
- Bị chiếu xạ vùng cổ, đặc biệt là khi niên thiếu.
- Một vài trường hợp không rõ nguyên nhân.
Bệnh bướu cổ không lây nhiễm
Nhiều người thắc mắc: Tại sao có những khu vực người dân bị bệnh rất nhiều, đặc biệt là các vùng núi. Phải chăng đây là một bệnh có thể lây từ người này sang người khác?
- Câu trả lời là không!!
- Như vừa kể ở trên, bướu cổ do thiếu iod còn gọi là bướu cổ địa phương- biểu hiện bệnh chiếm > 10% dân số, chính là nguyên do gây ra thắc mắc này.
- Để lý giải, chúng ta phải biết iod và nhiều chất khác được hình thành và lắng đọng ở bề mặt của lớp vỏ trái đất, do vậy mà ở những vùng cao sẽ có hiện tượng rửa trôi iod theo nước mưa, vì thế những người dân ở vùng này thường sẽ không có đủ lượng iod từ thức ăn và nước uống dẫn đến biểu hiện bệnh.
Bệnh này có nguy hiểm không?
Khi đã được chẩn đoán xác định là bướu cổ đơn thuần, bạn có thể tạm yên tâm vì bệnh thường tiến triển chậm, qua nhiều năm, tính chất lành tính. Nhưng nếu không được điều trị, một số ít sẽ có biến chứng như:
- Bướu cổ to gây chèn ép: Khó thở, nuốt khó, nuốt nghẹn, khàn tiếng, mất tiếng.
- Xuất huyết trong bướu: Bướu to nhanh, đau, nhanh chóng có biểu hiện chèn ép các cơ quan xung quanh tương ứng với sự to lên của bướu.
- Cường giáp, ung thư tuyến giáp: Tình trạng phì đại tuyến giáp kéo dài có thể gây biến đổi bất thường cấu trúc tuyến giáp: Một số vùng trở nên tự chủ tăng tiết hormon giáp gây cường giáp, một số vùng trở nên tăng số lượng không kiểm soát và trở thành ung thư tuyến giáp.
- Bướu cổ địa phương ở phụ nữ mang thai có thể gây suy giáp, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Khi nào cần điều trị bệnh bướu cổ?
Tùy theo tình trạng bệnh bướu cổ mà người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Những phương pháp chữa bướu cổ hiện nay bao gồm:
- Theo dõi không điều trị.
- Uống thuốc trị bướu cổ.
- Dùng thuốc xạ trị.
- Mổ.
Vậy khi nào thì theo dõi bệnh bướu cổ và khi nào cần điều trị?
Với những trường hợp suy giáp nhẹ TSH < 10mIU/Ml, bướu lành, nhỏ và không gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh thì bác sĩ thường chỉ định theo dõi, không cần điều trị. Người bệnh cũng không phải quá lo lắng vì theo thời gian, hầu hết không gây biến chứng gì. Tuy nhiên, phương pháp theo dõi đòi hỏi người bệnh phải tái khám định kỳ, có thể 1-2 năm đi khám một lần nếu cơ thể không thấy bất kỳ bất thường gì.
Các trường hợp cân nhắc điều trị :
- Cường giáp hoặc nhiễm độc giáp dưới lâm sàng.
- Bướu lành không có dấu hiệu chèn ép.
- Ung thư < 1cm không di căn.
Những trường hợp phải điều trị:
- Suy giáp TSH > 10 mIU/mL như viêm giáp mạn tính, bán cấp, thay thế.
- Cường giáp hoặc nhiễm độc giáp lâm sàng như (bệnh cường giáp, viêm giáp. bán cấp/mạn, u tuyến, phình giáp hạt.
- Ung thư hoặc nghi ngờ ung thư ≥ 1cm.
- Ung thư ≤ 1cm có di căn.
- Bướu lành có dấu hiệu chèn ép.